Ngày đăng bài: 18/02/2020 10:05
Lượt xem: 3186
Nghiên cứu trong ngành Ngân hàng: Người làm khoa học được quyền tự do sáng tạo
Trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng, ông Võ Trí Thành, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Khoa học là lĩnh vực đòi hỏi sự hiểu biết, chuyên nghiệp, chuyên môn để hiểu được giá trị của nghiên cứu khoa học (NCKH).

Ngành Ngân hàng đã có những đề tài NCKH sát thực tiễn và có tầm nhìn dài hạn, bám sát hơn đòi hỏi phát triển của NH cũng như xu thế vận động của thế giới. Muốn tốt hơn nữa, cần tăng tính kết nối; tính mở phải tốt hơn…

Qua nhiều năm làm công tác phân tích và tư vấn chính sách, theo ông NCKH có vai trò gì trong quản lý Nhà nước?

Có may mắn là tôi làm ở Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, may mắn được tham gia nhiều hội thảo, hội nghị quốc tế trên thế giới và khu vực, tham gia không ít đề án nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước và qua đó tôi có điều kiện học tập, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế các think tank trong nước, khu vực, và thế giới.

NCKH thực sự quan trọng cho quá trình hoạch định chính sách và thậm chí cả thực thi chính sách. Tại sao nó quan trọng, cần thiết? Thứ nhất, hoạch định chính sách của các nhà quản lý cần có những chính sách được kiểm định hỗ trợ bằng lý luận và thực tiễn, được kiểm chứng như vậy công tác hoạch định của họ mới để đạt mục tiêu về phát triển hay ổn định kinh tế vĩ mô; hay xử lý các vấn đề xã hội, phát triển bền vững… thì lòng tin của họ cao hơn để đạt được nhờ đó họ có khả năng giải trình với thị trường, xã hội tốt hơn.

Thứ hai, các mục tiêu phát triển hiện nay khá phức hợp như tăng trưởng bền vững phải gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo công bằng xã hội… và cả những va đập khu vực và thế giới trong nền kinh tế do đó càng cần lý giải tốt để tạo lòng tin cho nền tảng. Chính sách mới, ý tưởng mới, dự báo, đánh giá rủi ro… đều gắn với vai trò của các think tank.

Với Việt Nam - đang là nền kinh tế chuyển đổi, hội nhập… thì NCKH càng có ý nghĩa cho quá trình hoạch định chính sách. Vì chúng ta đang đi từ cái chưa biết sang biết; từ biết ít sang biết nhiều; chưa làm sang phải làm. Những thông điệp, kết quả nghiên cứu của các think tank Việt Nam bắt đầu được tôn trọng, nhìn nhận và đóng vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng, cải cách kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, trong tương tác giữa làm khoa học của think tank với quá trình hoạch định và thực thi chính sách vẫn có 3 rủi ro. Thứ nhất, là nguy cơ làm “cây cảnh”:  việc NCKH chỉ để tô thêm, làm đẹp… hơn là lắng nghe, thấu hiểu. Thứ hai, bản thân họ không đủ năng lực dù muốn làm việc tốt cho sự phát triển của đơn vị nhưng không đủ kiến thức nhất định, nên không hiểu, không đánh giá hết giá trị việc NCKH để mà hỗ trợ công tác nghiên cứu, hỗ trợ các think tank. Do đó dẫn đến rủi ro.

Thứ ba, đôi khi nguồn lực để khích lệ, tạo động lực cho NCKH không đủ. Không đủ không chỉ về tài chính, các điều kiện, mà do không đủ nên nhiều khi rất lãng phí: chọn người, chọn chủ đề công trình nghiên cứu không chuẩn.

Ông đánh giá thế nào về NCKH ứng dụng cho tài chính, ngân hàng?

Hệ thống tài chính – ngân hàng nói chung vẫn có đặc điểm chung và riêng đặc thù: TCTT là lĩnh vực không chỉ quan trọng trong nền kinh tế là mạch máu, trái tim phức tạp mà tính sáng tạo rất cao. Nó vừa gắn với kinh doanh vi mô và có tính lan tỏa và cả rủi ro về vĩ mô. Ví dụ CSTT,  giám sát sự phát triển lành mạnh của hệ thống NH vì thế ngoài đặc thù chung NCKH đòi hỏi kỹ thuật, kỹ trị cao nên cần có sự học hỏi không ngừng để think tank có những kiến nghị khoa học khả thi. Ngược lại, người lãnh đạo của đơn vị cũng phải có trình độ cao trong việc nhìn nhận con người, tạo động lực cho NCKH, nhìn nhận về vĩ mô của thị trường cao hơn, sâu hơn ở cả cấp quản lý và những người làm khoa học.

Cơ quan đặt hàng và cả think tank đều mong muốn công trình NCKH có tính ứng dụng cao. Song thực tế vẫn có công trình bị cất ngăn kéo?

Như trên tôi đã nói, có những rủi ro nhất định, thách thức đối với công tác NCKH. Thứ nhất: Động lực của người làm CNKH bên cạnh mục tiêu cao cả chung cho quốc gia, cho người dân. Vì sự phát triển chung cho quốc gia cho nền kinh tế vẫn có cả cái lợi ích riêng. Nếu không quản lý khéo, không có quyết định chính sách đúng thì kể cả khi tâm họ tốt (chưa kể tâm họ không tốt) sẽ có chính sách phục phụ lợi ích riêng. Về những người làm NCKH ngoài giúp hoạch định sách sách tốt hơn họ cũng có lợi ích riêng. Ví dụ họ muốn có thành quả được ghi nhận về mặt khoa học: giải thưởng khoa học, sự thừa nhận khi công bố trên các tạp chí khoa học chính thức… đó là niềm vui của think tank. Họ cảm thấy vui, hạnh phúc khi được sáng tạo, cống hiến.

Khoa học là lĩnh vực đòi hỏi sự hiểu biết, chuyên nghiệp, chuyên môn để hiểu được giá trị của NCKH. Do đó, việc một công trình NCKH nào đó nhét trong ngăn kéo hay được sử dụng ngay chỉ là bề nổi. Vì có thể công trình không sai mà hiện tại chúng ta không hiểu giá trị thực sự của công trình đó. Hay chỉ khi công trình được giải thưởng khoa học thì mới được thừa nhận tính thực tiễn. Chính vì thế để hiểu, đánh giá được giá trị của NCKH là không đơn giản.

Người làm khoa học được ba quyền: Quyền tự do nghi ngờ, quyền tự do sáng tạo và không phụ thuộc cấp trên hay cấp dưới. Nhưng họ cũng là con người nên cũng có “khoa học giả” để che đậy năng lực thật của mình. Do đó, cái quan trọng như tôi đã nói là nhận biết giá trị thật của từng con người, những hiểu biết các ấn phẩm, sáng tạo, đóng góp của think tank… Dù thực tế chúng ta vẫn phải thừa nhận là các công trình NCKH vẫn có copy, cái thật, cái giả…

Vấn đề tổ chức giao đề tài, chủ đề hay đặt hàng cũng phải thật sự khoa học, có sự tham vấn chứ không dựa trên thứ bậc hành chính, quyền lực. Điều nữa rất quan trọng là lòng tin khi đặt hàng vì khi đó người làm NCKH có quyền tiếp cận thông tin làm cơ sở, số liệu cho công tác nghiên cứu. Nhất là ngành Ngân hàng vốn có nhiều thông tin mật.

Theo ông cần giải pháp nào để việc NCKH trong ngành Ngân hàng phát triển hơn?

Tôi được biết gần đây NHNN và một số NHTM đều có các viện, trung tâm nghiên cứu và có sự quan tâm đến NCKH cả về con người, vật chất, đào tạo… đều được tăng cường. Sự quan tâm này khá thiết thực với sự phát triển của ngành Ngân hàng. Ngành Ngân hàng đã có những đề tài NCKH sát thực tiễn và có tầm nhìn dài hạn, bám sát hơn đòi hỏi phát triển của NH cũng như xu thế vận động của thế giới. Đó là điều tốt. Muốn tốt hơn nữa, theo tôi nên tăng tính kết nối; tính mở phải tốt hơn, nhất là trong bối cảnh chúng ta cần tăng tính minh bạch, tính giải trình. Kết nối ở đây có thể là với chuyên gia bên ngoài ngành, chuyên gia thế giới. Thứ hai, vấn đề đào tạo, thu hút nhân tài. NCKH đòi hỏi chuyên sâu, có chất học thuật nên phải gắn với đào tạo, tạo điều kiện để những nhà khoa học cống hiến sáng tạo. Bên cạnh đó nên có những nhóm nghiên cứu cho những tình huống khác nhau, cho thời điểm, khía cạnh khác nhau… nhằm gắn kết các think tank, chuyên gia bên ngoài và hệ thống cơ sở nghiên cứu của cơ quan để xử lý những vấn đề mới nảy sinh. Cơ chế thành lập các nhóm nghiên này cứu phải đủ linh hoạt, không tốn kém về mặt biên chế…

Xin cảm ơn ông!