Ngày đăng bài: 20/09/2024 10:38
Lượt xem: 149
Khảo sát triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Sáng 08/8, Đoàn khảo sát thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Sáng 08/8, Đoàn khảo sát thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thực hiện Công văn số 8897-CV/BTGTW ngày 17/7/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư, sáng 08/8/2024, Đoàn Công tác liên ngành của Ban Tuyên giáo Trung ương có buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) khảo sát triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại Bộ VHTTDL.
Chủ trì buổi làm việc có đồng chí Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ VHTTDL; đồng chí Lê Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ GD&ĐT, Bộ VHTTDL, Hội Khuyến học Việt Nam cùng các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo về kết quả đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện kết luận 49-KL/TW, đồng chí Kiều Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết: Với sự phối hợp, hưởng ứng tích cực của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, nhất là sự vào cuộc tại các địa phương, Bộ VHTTDL đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc tiếp tục đổi mới hoạt động phục vụ học tập suốt đời; củng cố cơ sở hạ tầng, mạng lưới thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, hiện đại hóa phương thức tổ chức hoạt động, dịch vụ phục vụ học tập suốt đời phù hợp với đối tượng từng vùng, miền, địa phương nhằm nâng cao năng lực tự học, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam đã đạt được các kết quả quan trọng, cụ thể:
Hệ thống thư viện đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, phát huy nguồn lực thông tin tư liệu hiện có, làm mới các dịch vụ truyền thống, mở rộng các dịch vụ mới, chú trọng việc xây dựng thói quen, hướng dẫn, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc hỗ trợ việc học tập suốt đời của người dân. Hàng năm các chỉ tiêu, chỉ số về phát triển văn hóa đọc đều có sự gia tăng trung bình từ 10% trở lên, số thẻ bạn đọc tại các thư viện công cộng tăng hàng năm từ 8% đến 10%, tổng số bạn đọc đến thư viện tăng từ 20 đến 30%, tổng số sách, báo luân chuyển tại thư viện công cộng tăng từ 25 đến 30%…

Đồng chí Kiều Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Thư viện trình bày Báo cáo

Các bảo tàng đã xây dựng kế hoạch tổ chức lồng ghép các nội dung về xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời tại bảo tàng, chú trọng việc nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục.
Các trung tâm văn hóa đã nỗ lực đổi mới, sáng tạo đa dạng về loại hình, cách thức thể hiện, phương thức tổ chức, hướng dẫn hoạt động văn hoá, văn nghệ tại chỗ và lưu động thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Đối với công tác phát triển và nâng cao nguồn nhân lực, Bộ VHTTDL đã luôn chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành VHTTDL trong các cơ sở giáo dục đào tạo thuộc Bộ thông qua việc triển khai cụ thể hóa các nội dung liên quan vào chương trình đào tạo của các trường, lồng ghép trong các hội nghị đào tạo hàng năm đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ nhằm thực hiện hiện quả công tác khuyến học, khuyến tài góp phần xây dựng xã hội học tập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các thiết chế thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa, ưu tiên tuyển dụng cán bộ có năng lực chuyên môn, yêu nghề, trách nhiệm, có bản lĩnh chính trị, năng động, biết khai thác và phục vụ thông tin, tri thức, có khả năng sáng tạo văn hóa quần chúng trong nhân dân.
Đặc biệt, trong 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Kết luận 49-KL/TW, một số mô hình, cách làm hay của ngành VHTTDL đã đem lại những kết quả thiết thực, góp phần nâng cao dân trí, xã hội học tập ở Việt Nam, điển hình như: mô hình Không gian chia sẻ S.hub tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, mô hình xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức” trong hệ thống thư viện; mô hình Câu lạc bộ Em yêu lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, mô hình chương trình tại Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội trong hệ thống bảo tàng; mô hình hoạt động tại Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh tỉnh Bến Tre, mô hình hoạt động tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Thuận trong hệ thống trung tâm văn hóa.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện đồng chí Kiều Thúy Nga nhận định việc triển khai vẫn còn nhiều bất cập, như nhận thức về vai trò của các thiết chế văn hóa đối với xã hội và thúc đẩy học tập suốt đời còn hạn chế; hoạt động đầu tư, nâng cấp các thiết chế chưa thực sự được quan tâm đúng mức; kinh phí triển khai chưa được bố trí độc lập; công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức làm việc trong thư viện và các thiết chế văn hóa tại các địa phương còn hạn chế; chế độ đãi ngộ nhân sự thấp; công tác phối hợp thực hiện giữa các ngành, kiểm tra việc thực hiện còn mang tính tự phát, thiếu sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.
Tại buổi làm việc, các thành viên của đoàn công tác đã thảo luận, đánh giá, những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị về các vấn đề liên quan đến sự phối kết hợp giữa các bộ, ban, ngành trong quá trình thực hiện; số liệu thống kê; nội dung các hoạt động; quản lý, sử dụng, đầu tư, nâng cấp các thiết chế; kinh phí triển khai chưa được bố trí độc lập; chế độ đãi ngộ nhân sự; các đề án, đào tạo, trao đổi quốc tế…
Phát biểu tại buổi khảo sát, đồng chí Lê Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam đã nhận định: Ban cán sự Đảng cùng với lãnh đạo Bộ VHTTDL, các cơ quan đơn vị trực thuộc Bộ đã quán triệt nghiêm túc Kết luận 49-KL/TW gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ của ngành; đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, cách làm sáng tạo; công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành VHTTDL và đạo tạo nguồn nhân lực tham gia xã hội được chú trọng, quan tâm; các thiết chế văn hóa ở cơ sở đã có sự phối hợp với các lực lượng trong xã hội để làm văn hóa và khuyến học ngày một tốt hơn.

Đồng chí Lê Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam

Đồng chí Lê Mạnh Hùng cũng đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục hoàn thiện Báo cáo đồng thời phối hợp với các ngành đưa ra tiêu chí văn hóa thực hiện khuyến học, khuyến tài, đặc biệt trong các chương trình nông thôn mới và xây dựng đô thi văn minh; đánh giá hoạt động của Cấp ủy, các cơ quan, đơn vị từ đó rút kinh nghiệm trong chỉ đạo hoạt động khuyến học, khuyến tài trong lĩnh vực VHTTDL; quan tâm trong chỉ đạo hướng dẫn cơ sở thông qua các mô hình, kinh nghiệm hay để mọi người dân cùng học tập, từ đó góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.

Đồng chí Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu

Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp tại buổi làm việc, đồng chí Trịnh Thị Thuỷ – Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ghi nhận, tiếp thu, lắng nghe các ý kiến góp ý của đoàn công tác, trên cơ sở đó, Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo các đơn vị, cơ quan tham mưu bổ sung các số liệu, hoàn thiện báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị, khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Theo Vụ Thư Viện